Thu phí Zalo, Line... để đảm bảo công bằng?

Các nhà cung cấp dịch vụ OTT cho biết, đang sống trong sợ hãi vì không biết phải đóng cửa lúc nào. Còn các nhà mạng Viettel, Mobifone vẫn đòi hỏi sự công bằng về chính sách. Theo đó, nhiều khả năng người tiêu dùng sẽ phải trả phí khi sử dụng dịch vụ OTT mặc dù đã phải trả tiền cước 3G.
Zalo, Line... sống trong sợ hãi vì không biết phải đóng cửa lúc nào
Trong buổi tọa đàm "Dịch vụ OTT ở Việt Nam và chính sách quản lý" vào sáng ngày 5/9, đại diện các nhà mạng và các đơn vị OTT đã đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh việc quản lý dịch vụ miễn phí trên mobile internet.
Các nhà cung cấp dịch vụ OTT cho biết, đang sống trong sợ hãi vì không biết phải đóng cửa lúc nào.

"Hiện nay, vẫn chưa có cơ chế quản lý dịch vụ OTT một cách rõ ràng nên chúng tôi luôn sống trong sự lo lắng, sợ hãi, không biết đến nào thì bị cấm. Mặt khác, giữa các nhà cung cấp dịch vụ OTT và các nhà mạng hiện nay vẫn chưa có sự hợp tác, do đó mục tiêu mang lại các dịch vụ thuận tiện nhất cho người dùng vẫn chưa đạt được..." - Ông Khải nói.
Ông Vương Văn Khải (Phó Tổng Giám đốc Công ty VNG - đơn vị cung cấp dịch vụ Zalo tại Việt Nam) cho biết, do dịch vụ OTT hiện nay chưa được sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nên các doanh nghiệp như Zalo luôn sống trong sự sợ hãi, không biết phải đóng cửa bất cứ lúc nào.
Cũng theo ông Khải, để giải quyết được những khó khăn của các nhà mạng và các nhà cung cấp dịch vụ OTT thì nên có sự hợp tác Telco-OTT (hợp tác giữa nhà mạng và OTT). Từ đó, OTT sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng 3G, giúp nhà mạng tăng thêm doanh thu từ cước data.
"Các nhà mạng tiến hành thu phí data và trên cơ sở đó hợp tác với các nhà OTT để chia sẻ doanh thu từ kênh thanh toán VAS" - Ông Khải cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phong Lộc, đại diện cho đơn vị cung cấp dịch vụ Line tại Việt Nam cũng mong muốn hợp tác với các nhà mạng và sẵn sàng đáp ứng tất cả yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước.
Nhà mạng đòi công bằng
Thêm một lần nữa, vấn đề doanh thu được các nhà mạng đặt ra trong buổi tọa đàm cùng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, các dịch vụ OTT đang khiến các nhà mạng mất đi doanh thu khoảng 15 - 20%.
Còn ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Tổng Giám đốc Mobifone cho rằng, dù là các nhà mạng hay các nhà cung cấp OTT đều phải tuân theo Luật về giá thành, luật khuyến mại.
"Bản thân Mobifone hay Viettel đã từng phải dừng khuyến mại vì bán dưới giá thành. Mỗi lần đưa ra chương trình khuyến mại là các nhà mạng phải làm vô số thủ tục sau đó mới có thể triển khai được.
Trong khi đó, các dịch vụ OTT không có giấy phép nên bán giá bằng 0, mà thực chất ở đây là sự bù chéo. Nhắn tin, gọi điện miễn phí nhưng thu từ những chỗ khác, nên cần phải có sự công bằng, phải có cơ chế quản lý OTT" - ông Chiến nói.
Ông Hùng cũng cho biết thêm, nếu so sánh với Trung Quốc, giá data hiện nay ở Việt Nam rẻ hơn 14 lần, nhưng giá thoại lại đắt hơn cả chục lần, nên doanh thu chủ yếu của các nhà mạng là từ dịch vụ thoại. Nhưng khi các dịch vụ OTT ra đời như Zalo, Viber, Line... đã đánh thẳng vào giá thoại (mức giá bằng 0) nên đã ảnh hưởng lớn doanh thu các nhà mạng, và các nhà mạng phải phản ứng.
"Nếu các nhà mạng muốn cấm OTT thì cấm được ngay, nhưng tôi đánh giá cao khả năng sáng tạo của OTT. OTT chính là cú hích cho các nhà mạng phải thay đổi. Tôi cho rằng đây là cơ hội 100 năm mới có một lần để các nhà mạng tái sinh" - Ông Hùng nói.
Xem xét thu phí OTT để đảm bảo bình đẳng
Đứng dưới góc độ quản lý, bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết nếu như nhà mạng không có doanh thu, không thể duy trì được mạng lưới, mở rộng đầu tư thì dịch vụ OTT cũng không thể tồn tại được.
"OTT được cung cấp miễn phí, nhưng không có nghĩa miễn phí thì không quản lý. Vì nhà cung cấp dịch vụ OTT thu được từ nhiều nguồn khác nhau nên vấn đề là quản lý như thế nào để đảm bảo sự bình đẳng. Tại sao lại bắt tôi xây nhà, sau đó anh đến bán hàng mà không phải trả tiền thuê?
OTT mang lại lợi ích cho rất đông đảo khách hàng, còn quản lý Nhà nước là phải đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Tuy nhiên như thế nào là để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng? Không phải trả tiền mà vẫn được sử dụng dịch vụ là không phải quyền lợi chính đáng. Quyền lợi chính đáng của khách hàng là được sử dụng dịch vụ xứng đáng với đồng tiền đã bỏ ra" - Bà Mơ nói.
Đồng tình với quan điểm của bà Mơ, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, không có cái gì là miễn phí cả.
"Người dùng Zalo, Viber có thể không phải trả tiền nhắn tin, gọi điện, nhưng sẽ phải trả tiền từ những dịch vụ khác. OTT thu tiền từ quảng cáo, từ rất nhiều dịch vụ, nên sẽ đội giá lên, và người tiêu dùng vẫn phải chịu" - Thứ trưởng Thắng nói.
Người dùng Zalo, Viber, Line... có phải chịu phí?

Trao đổi với PV Đất Việt, ông Vương Quang Khải (Phó Tổng Giám đốc VNG) cho biết, vấn đề có thu phí nhắn tin, gọi điện qua Zalo không thì còn do cơ quan quản lý xem xét và đưa ra.

Còn ông Nguyễn Đình Chiến (Phó Tổng Giám đốc Mobifone) cho rằng, các đơn vị cung cấp dịch vụ OTT nên chủ động đề xuất với các nhà mạng về việc trả phí khi sử dụng hạ tầng để đảm bảo công bằng.

"Còn với việc có nên thu phí từ người tiêu dùng hay không thì tôi cho rằng đây cũng là một gợi ý mà Phó Cục trưởng Cục Viễn thông đã nói và cần xem xét để khách hàng có sự lựa chọn. Thực tế, hiện nay một số nhà mạng như ở Trung Quốc, Hàn Quốc... họ đã làm rồi. Đây cũng là nội dung Mobifone đang nghiên cứu" - ông Chiến cho biết.
Nguồn: Baodatviet.vn